Bàn tròn Talawas - 6
Published on June 30, 2004 By nguhuart In
Veronika Radulovic:
1.Anh Huy ạ, vấn đề không phải là nghệ sĩ của tôi hay nghệ sĩ của anh, voi Lào hay voi Thái. Cái chính trong chuyện này là một số nghệ sĩ đã nảy ra một ý tưởng độc đáo và tuyệt vời. Họ được cười, được vui và đầy tự phát mà quệt mầu lên những con bò, và qua đó tìm ra một cách biểu đạt nghệ thuật hồn nhiên về cái xứ nông nghiệp Việt Nam của mình. Và tìm ra một hình thức mới của body-art, của living sculpture, hay muốn gọi là gì cũng được, mà nếu đưa ra ngoài chắc sẽ được quốc tế chú ý (tôi tin như vậy).
Sao ở Việt Nam người ta hay quy ngay rằng cứ cái này đưa ra ắt cái kia phải bị thay thế như vậy nhỉ? Có ai bắt ai phải lặp lại vụ vẽ bò đó đâu! Bò có loại trừ trâu đâu! Có nhiều cách lắm. Nhưng sự khác nhau là ở chỗ: tranh vẽ trên bò là tranh biết chạy và chẳng hề vĩnh cửu, chỉ tồn tại chốc lát, chính vì thế mà nó như bật thẳng ra từ đời sống hơn tranh sơn mài hoặc tượng đồng nhiều. Hơn nữa vụ vẽ bò này còn là một cách nhấn mạnh, rằng đây là nghệ thuật phi thương mại. Nó lại đáp ứng những tiêu chuẩn của nghệ thuật trong không gian công cộng. Nghệ thuật thả trong môi trường đời sống lao động của người nông dân. Nghệ thuật cho ta vui, cho ta ngạc nhiên, cho ta đổi nếp nhìn, và nhiều thứ khác. Như vậy tất nhiên nó gần với các tranh luận và định nghĩa quốc tế về nghệ thuật đương đại hơn nhiều so với hội họa truyền thống, là thứ có vẻ như ở thế kỷ 18. Nói một cách giản dị: đó là nghệ thuật trẻ! Mà rút cuộc thì „toan“ lại rẻ, để dành được nhiều tiền hơn cho bia hơi.

2. Về phê bình mỹ thuật, cá nhân tôi chỉ có thể đặt câu hỏi như sau: nghệ thuật trẻ Việt Nam có cần cái phê bình mà anh Hưng đề nghị và đòi hỏi thật không? Câu trả lời của tôi là: KHÔNG. Mà nói cho cùng thì ai là người đủ thẩm quyền để đảm nhiệm vai trò của nhà phê bình, và Việt Nam sẽ có, hoặc được phép có bao nhiêu nhà phê bình mỹ thuật khác nhau?
Anh Hưng, mong anh đừng hiểu nhầm, anh muốn phê phán gì, xin cứ việc, đó là quyền của anh, và cái đó là bộ phận của một đối thoại rất cần thiết trong công luận. Ở Việt Nam cũng có đủ các diễn đàn để làm điều đó. NHƯNG: xin anh đừng kêu ca rằng các nghệ sĩ không chịu nghe hoặc đọc anh. Nếu quả như vậy –tôi không đủ điều kiện để xác minh- thì biết đâu chính là do họ đã chán, đã mệt mỏi vì phải nghe mãi bao nhiêu lời khuyên, lời chỉ dẫn, phải tuân thủ bao nhiêu sự chỉ đường dẫn lối, bao cấp tinh thần, và bao nhiêu sự cấm đoán rồi.

3. Anh đã có phản hồi khi tôi nhắc tới Minh Thành. Tiếc rằng tại diễn đàn này mà trình bày cho anh rõ về nội dung tác phẩm của Thành thì tôi thật không làm nổi (vì muốn như vậy phải đích thân chứng kiến mới được). Tuy vậy tôi cũng muốn trả lời anh đôi chút.
Trong ý kiến lần trước, tôi không nói về nội dung tác phẩm của Thành, mà chỉ đi tìm một cách lý giải sự nổi tiếng của anh ấy. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau, và sự nổi tiếng tất nhiên chưa nói lên điều gì về nội dung cả, điểm này thì tôi đồng ý với anh. Nhưng những thứ rất tầm phào như cách ăn mặc, hay sự quảng giao, cũng góp phần vào sự nổi tiếng.
Tuy những nghệ sĩ như Paul Klee, Miró, Léger và nhiều người khác cũng đã nổi tiếng toàn thế giới nhờ những tác phẩm có thể coi là phi hàn lâm trong bối cảnh thời đại của họ, chứ không phải là nhờ năng lực nghệ thuật hàn lâm, nhưng khía cạnh tương tự trong tác phẩm của Thành, theo tôi vẫn đáng chú ý. Thái độ phi hàn lâm của anh ấy chứng tỏ rất rõ một định hướng khác với cố hữu, một ngả đường mới đang được tìm kiếm.
Và cuối cùng tôi xin phép đề cập đến khái niệm quốc tế. Anh cũng không coi đó là tiêu chuẩn đầy đủ nội dung để đánh giá nghệ thuật của Minh Thành thì phải. Điểm này tôi hoàn toàn phản đối. Nghệ thuật là công chúng. Nghệ thuật là đối thoại. Thiếu công chúng không thể có nghệ thuật. Mà đặc biệt là ngày nay, nghệ thuật vận hành thông qua một công chúng quốc tế. Minh Thành là một trong số vài nghệ sĩ ít ỏi (nếu tôi chưa biết hết, rất mong anh mách thêm) đã đặt mình vào một đối thoại quốc tế hết sức nghiêm túc. Và điều đó cũng làm thành nội dung tác phẩm của anh ấy.
Sau đây tôi muốn nói đến một triển lãm khi anh ấy là artist in residence năm 1998 tại artist unlimited ở Bielefeld/Đức.
Minh Thành thuộc thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong một xã hội đang thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt, chính trị, kinh tế, và văn hoá. Cuộc sống mới này đòi hỏi mỗi người phải vật lộn với những hình thức sinh hoạt, thông tin và phương tiện truyền thông lạ lẫm, với các công nghệ mới, phải đụng chạm với những nền văn hoá khác, và rất rất nhiều thứ nữa. Tựu trung đây là một thách thức lớn và cũng nguy hiểm. Cuộc sống lạ và mới này gây nên một cảm giác tha hoá cao độ. Tha hoá đối với truyền thống, với gia đình, với cả bản ngã dân tộc.
Minh Thành và gia đình anh sống trong những thế giới khác hẳn nhau, không có nghĩa là không thể sống chung, nhưng sống chung thì thật khó. Nhiều lĩnh vực hoạt động của Thành, gia đình anh không hay biết.
Trong triển lãm ở Bielefeld, Minh Thành đã trưng bày một tác phẩm với tựa đề: Thư gửi mẹ. Anh treo một cái phong bì lên các chân dung phụ nữ với vẻ lý tưởng, khổ lớn, và đề nghị khoảng 100 khách đến thăm triển lãm chọn một thứ gì đó của riêng họ để gửi cho mẹ anh. Rồi anh gộp số tranh, ảnh, bài, của những khách Đức đến thăm triển lãm ấy, và kèm một bức thư gửi mẹ. Trong thư có đoạn sau:
Thuờng thì ta nhận thư của người quen…còn những lá thư này, người gửi là ai mẹ không hề biết. Nhưng mẹ cứ mở ra đi, mẹ sẽ thấy thư của con trai mẹ, cùng với một người lạ. Mẹ thấy không, thế giới chúng ta đang sống hôm nay thật là tuyệt vời!
Mẹ đang liên hệ với những người sống ở nửa kia của địa cầu,… đó là do trái đất vẫn tiếp tục quay quanh cái trục của nó và nhân loại vẫn tiếp tục sinh thành. Là nghệ sĩ, con đứng ở điểm giữa, sản phẩm của con là nghệ thuật. Con đang đứng giữa mẹ và những người đến thăm triển lãm của con. Mẹ và họ chưa biết nhau. Con muốn nối mẹ và họ, cho gần lại nhau.
Đó là điều duy nhất mà chỉ hôm nay, chứ không phải hôm qua hay ngày mai, con đủ khả năng thực hiện. Mẹ, con, và tất cả mọi người ở đây đều đang sống trong cùng một thời điểm. Mà vẫn khác nhau. Nhưng xích lại gần nhau như vậy mới thấy rõ rằng điều duy nhất quan trọng là chúng ta đang sống, sống một cách thực sự.
Có lẽ những người khách đến thăm triển lãm ở đây thấy chuyện hơi lạ…và dù họ và con là người xa lạ với mẹ, song mẹ sẽ thấy chẳng đáng sợ tí nào.
Chẳng còn lâu nữa, con sẽ về, và con hi vọng mẹ lại nhận ra con, con hi vọng rằng con s ẽ không trở nên xa lạ với mẹ. Con trai của mẹ.

Ở tác phẩm này Minh Thành đặc biệt suy tư về vai trò của bản thân trong một xã hội đang biến đổi. Nó là một mô tả hiện trạng chính trị. Ngoài ra, đối với tôi, tác phẩm này là một thể nghiệm buồn và trìu mến nhằm hàn gắn những gì đã đổ vỡ. Thành đã kết hợp hội họa, thư từ, và kéo công chúng vào cuộc. Đã tạo ra một đối thoại liên văn hoá.
Như thế đối với anh đã là đủ nội dung chưa, tôi không biết. Với tôi thì đã đủ. Tôi không thể làm cho nghệ thuật của Minh Thành trở nên gần gũi hơn đối với anh. Rút cuộc thì mỗi chúng ta có cách cảm nhận khác nhau, và chẳng việc gì phải thay đổi điều đó.

4. Cái nhìn của tôi về Việt Nam và các nghệ sĩ Việt Nam không phải là cái nhìn của anh. Và điều quan trọng nhất cho cả giai đoạn sống ở Việt Nam của tôi, đã và vẫn tiếp tục là: gắn bó với một cuộc sống thật sự và đa dạng đang có ở đây. Nó ồn ào và rực rỡ một cách tuyệt vời, khiến tôi tin rằng, cuộc sống đầy sinh khí ấy sẽ tạo ra một nền nghệ thuật sinh động, không thể chỉ đem các tiêu chuẩn kỹ năng và chính trị mà đánh giá. Một nền nghệ thuật gây tranh cãi và hài hước nữa. Đã có nhiều ví dụ rực rỡ lắm rồi.
(01.12.02)





Bàn tròn Talawas “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đang ở đâu?”

(Phần III)

Bùi Suối Hoa (độc giả): Nói tới hội họa, trước tiên phải nói tới ngôn ngữ của riêng nó, đó là mỹ thuật tạo hình. Cái đẹp được tạo dựng qua hình, màu sắc và ánh sang. Bạn có thể đặt vào trong tác phẩm của bạn tư tưởng, triết học, xã hội học hay gì đi nữa, hơn tất cả vẫn phải là ngôn ngữ tạo hình. Theo tôi nghĩ, một bức tranh lớn, mang đề tài xã hội, vẽ rất nhiều người, với rất nhiều ý tưởng trong đó, cũng chẳng giá trị gì hơn một bức tranh với vài nét phất phẩy của mực tầu, vẽ đơn giản chỉ một người, một bông hoa, cành lá hay con tôm, con cua.

Tôi coi trọng cảm xúc trong tranh, coi trọng sự sống động của một linh hồn trong từng nét bút. Với kỹ thuật ngày nay, những gì cần chính xác, cần biến ảo thì máy ảnh và điện ảnh đã làm cả rồi. Bạn có thể trở thành nhà văn, nhà thơ, khoa học, triết học, hay chính trị gia, hay thành nhà phê bình mỹ thuật, tùy bạn. Nhưng thành họa sĩ lại khác. Hội họa chỉ qua ngôn ngữ riêng, hình và mầu sắc, diễn tả tình người, hồn người.

Tôi cũng muốn nói chút ít về tính dân tộc. Tôi sinh ra và lớn lên, tôi sống và tồn tại với mảnh đất nào thì đó là dân tộc tôi, đất nước tôi, dù hạnh phúc hay khổ đau. Tôi yêu thích vẽ và nghiên cứu về con người, con người trong thiên nhiên và con người trong đời sống xã hội. Có lẽ suốt đời tôi, tôi chỉ vẽ về Việt Nam, tại sao lại không? Tôi vẽ con người, thông qua người Việt Nam và thông qua mảnh áo dài hay áo tứ thân từ thủa xa xưa. Những hình ảnh ấy gắn bó mật thiết với tôi, thân thương và gần gũi. Con người khắp thế giới này cũng như vậy cả thôi, thể xác và linh hồn, với đầy đủ niềm vui và nỗi buồn, với mọi Tham Sân Si. Quê hương là cội rễ, cho tôi nguồn cảm hứng lớn mạnh nhất để tôi vẽ.

Tôi muốn nắm bắt cái đẹp trong khoảnh khắc, tạo dựng nó trong tôi, qua cái nhìn của tôi mà tồn tại thành của riêng tôi. Địa lý là do con người tự đặt ra, mọi luật lệ cũng vậy. Nghệ thuật không có luật lệ, không có địa lý. Trong xã hội, chẳng ai giống ai cả, về hình thức cũng như nội tâm. Đi tìm một con đường riêng của mình, một suy nghĩ của riêng mình, tạo ra một bút pháp riêng biệt, cũng đã là một đổi mới trong hội họa. Điều mà tôi quan tâm là đi tìm chính mình, với tất cả sự chân thực. Tri thức và cảm nhận riêng của bạn trong đời sống sẽ tạo ra giá trị của bạn, tên tuổi của bạn, hơn hay kém người.
(03.12.02)

Như Huy: Thưa chị Veronika, theo tôi, đoạn văn của chị : “Cái chính trong chuyện này là một số nghệ sĩ đã nảy ra một ý tuởng độc đáo và tuyệt vời. Họ được cười, được vui…”. Đoạn văn ấy nên viết thế này thì hay hơn : “Các nghệ sỹ (của chị) đã nẩy ra một ý tưởng (mà chị thấy là) độc đáo và (chị thấy là) tuyệt vời và (chị) được cười, được vui… “. Vâng, có vẻ như qua rất nhiều ngõ ngách, chúng ta đang đi gần đến một điểm để có thể tranh luận, đó là quan niệm về chức năng của nghệ thuật.

Vâng, qua những điều chị trình bầy, tôi đã hiểu phần nào cái quan điểm nghệ thuật mà chị có cũng như muốn dậy cho các học trò của chị phải có về chức năng nghệ thuật (trong một bài viết trên diễn đàn này, chị tự nhận mình là một nghệ sỹ với cái đầu nhập nhằng, tuy thế, tôi hy vọng là quan điểm nghệ thuật của chị không nhập nhằng như cái quan điểm nghệ sỹ của chị).

Theo tôi hiểu, nghệ thuật được lớp chị quan niệm như là một nơi mà người ta được cười, được vui, được chơi hồn nhiên và các nghệ sỹ là một nhóm người vô tư lự “mơ theo video và vơ vẩn cùng perfomence rồi cuối cùng để tâm hồn treo ngược ở cành installation”, vâng, tùy chị và các học trò của chị thôi, giờ tôi đã hiểu và không thắc mắc nữa. Cảm ơn chị - nhưng này, chị nghĩ sao về nghệ thuật xiếc nhỉ – chức năng của nghệ thuật đó cũng khá giống với những quan điểm về nghệ thuật của lớp chị đấy.

Chị còn viết “Nói một cách giản dị: đó là nghệ thuật trẻ! Mà rút cuộc thì „toan“ lại rẻ, để dành được nhiều tiền hơn cho bia hơi…”. Không rẻ đâu chị ạ, không biết bò ở Đức thì thế nào chứ bò ở VN cũng khoảng vài triệu một con và thường thì nếu không bị quét sơn đỏ lên rồi đem thả ở Documenta thì con bò ấy còn nuôi sống được ít nhất là một gia đình nông dân VN, cái người đang lao động trong “môi trường lao động của người nông dân”- như ngôn ngữ của chị viết đấy.
(04.12.02)

Bùi Hoài Mai (độc giả): Tôi là một độc giả đã theo dõi các cuộc tranh luận trên bàn tròn của Talawas. Hôm nay, tôi quyết định góp lời vào cuộc trò truyện bởi sự thích thú được mang lại từ những ý kiến của Laurent Colin. Ðó là một ý kiến khá chính xác về thực trạng của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Chỉ tiếc rằng trong khuôn khổ bàn tròn không cho phép đủ dài để được mở rộng những vấn đề mà Laurent Colin đã đặt ra. Một điều thú vị nữa mang lại qua ý kiến này là tính khách quan hơn những ý kiến của các nhà phê bình, sử gia và nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam “chuyên nghiệp” trong bàn tròn này (như lời Laurent Colin tự giới thiệu “vài lời phát biểu mang tính “nghiệp dư” vì tôi không phải là nhà phê bình mỹ thuật, cũng không phải chuyên gia về mỹ thuật hay hoạ sỹ”). Bởi vì các phê bình gia “mỹ thuật đương đại“ chịu một sức ép tâm lý khá lớn - tâm lý này được tạo ra từ bài học kinh nghiệm trong cuộc cách mạng thành công của chủ nghĩa hiện đại được bắt đầu trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với những nghệ sỹ như những vị thánh tử vì đạo chống lại sự dè bỉu của giới truyền thông và công chúng. Ngày nay, tình thế hình như bị đảo ngược, các nhà phê bình cùng với khán giả vội vàng chấp nhận và cổ vũ cho những gì mới lạ, đó là phải “đương đại” bằng mọi giá, truyền thống của cái “mới” đã trở nên phổ thông (hay còn được gọi là quần chúng hoá) đến độ mọi truyền thống khác trở nên vớ vẩn. Chính những điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạ sỹ Viêt Nam trong công cuộc “nháo nhào” đi tìm tính hiện đại trong sự lo lắng khi được các nhà phê bình nhắc nhở rằng không nhanh lên thì sẽ bị “nghệ thuật đương đại quốc tế” bỏ rơi. Tôi đồng ý với ý kiến cảnh báo về cái chủ nghĩa thực dân mới “đang cản trở các hoạ sỹ khám phá tận gốc nền văn hoá Việt Nam” và tôi cũng đã hơn một lần nói vấn đề này với các bạn bè hoạ sỹ nhưng có rất ít người để ý tới điều này, đối với họ, chủ nghĩa thực dân đồng nghĩa với việc một ông Tây nào đó chĩa súng vào và bắt anh ta làm việc mà không trả công. Còn về vấn đề cuốn “Ðông phương học” của Edward Said măc dù có sự không tương đồng giữa Châu Á và Trung Ðông nhưng nó đã mang đến một việc rất tốt là thay đổi (hoặc đặt lại vấn đề) một cách nhìn đã trở thành một lối mòn trong cách nhìn nhận, nghiên cứu... về văn hoá của một dân tộc này với dân tộc khác, của một nền văn hoá này đối với nền văn hoá khác. Trong vấn đề này, theo tôi có thể tham khảo thêm cuốn “Không gian xã hội vùng Ðông Nam Á” của Georges Condominas .
(05.12.02)

Natalia Kraevskaia: Tôi cảm thấy trong cuộc thảo luận về mỹ thuật đương đại Việt Nam, chúng ta không những theo dõi đường chuyển động của nó, mà còn muốn xác định điểm xuất phát và hơn thế nữa, tính toán điểm tới đích của nó. Và đây, chúng ta đang quần tụ ở đích, với những khẩu hiệu: “Không được đụng đến những cội rễ Việt Nam!”, “Bài trừ chủ nghĩa thực dân mới!” Và đi đầu tất cả là Kaomi: “Hãy ngừng mang ánh sáng ngoại bang tới Việt Nam!”Tôi e có người sẽ hiểu quá cứng nhắc những lời của anh và dừng phắt tất cả những nhà máy thuỷ điện do Nga xây dựng, và nếu thế thì tôi không gửi được thư này tới anh. Ô-kê, tôi sẽ đợi tới khi các bạn cùng thành phố của Nguyên Hưng sáng chế ra computer chạy bằng năng lượng than bùn. Hay là tất cả than bùn đã cháy sạch trong cuộc hỏa hoạn lớn vừa rồi – kết quả của chiến lược tháo nước các đầm lầy của địa phương? Tôi hy vọng Nguyên Hưng sẽ không áp dụng một phương pháp tương tự để tháo cạn cái đầm lầy mỹ thuật trong hình dung của anh.

Vâng, anh Kaomi và anh Hưng ạ, dù những phát biểu của Birgit có mùi gì đi nữa, và vâng, anh Huy ạ, bất kể anh tiếp tục cuộc tranh luận “bò” với Veronika bao lâu nữa (điều này phản ánh chính xác cái vấn đề tương tự trong nghệ thuật mà anh đã bàn cãi khi trước – phát biểu nhiều lời mà chẳng có gì để nói cả). Phải, trong chính trường hợp này, chúng ta có một thí dụ rằng thậm chí chỉ một người cũng có thể “mang ánh sáng” tới và gây một tác động lớn đối với sự phát triển của sự đa dạng trong sáng tạo và thậm chí trong chiến lược giảng dạy. Vâng, tôi, cũng như hàng chục các hoạ sĩ và cả Trường Mỹ Thuật Hà Nội nữa đã là nhân chứng.(Bàn tròn này không phải là chỗ để liệt kê tất cả các hoạt động của Veronika. Anh Kaomi, liệu anh có thể cho tôi số điện thoai để chúng ta tranh luận thêm? Và nhân tiện, anh có thể cho vài thông tin về những triển lãm mỹ thuật Việt Nam mà anh đã tuyển chọn hoặc tổ chức? Tôi rất quan tâm đến việc trao đổi thông tin với anh. Tôi phải viết cho anh bằng tiếng Nhật hay là anh chỉ nói tiếng Việt Nam?)

Trở lại chuyện ánh sáng. “Ánh sáng” nào – từ phương Tây hay phương Ðông – cũng đều tốt, miễn đó thật sự là “ánh sáng”. Và trong nghệ thuật, tôi không nhớ có ai đã phàn nàn về truyện cái ông Munch người NA UY lại là cha đẻ của chủ nghĩa xuất biểu (expressionism) Ðức. Hoặc việc chủ nghĩa ấn tượng Pháp lan tràn khắp thế giới, đó có phải là triệu chứng của chủ nghĩa thực dân mới văn hoá không, thưa anh Laurent?

Vâng, mọi người đều biết rằng toàn cầu hoá (tôi dùng từ này thay vì chủ nghĩa thực dân mới, tôi đã đọc hàng chục bài tiểu luận về kinh tế và triết học – không có khác biệt đáng kể) cũng có những tác dụng tiêu cực: sự thống trị của các tập đoàn xuyên quốc gia, phi nhân hoá khoa học và kỹ thuật, tập trung vào phân phối hàng loạt và tiêu thụ hàng loạt, tiêu chuẩn hoá, vân vân... Nhưng chúng ta cũng đã được hưởng những chấn động như truy cập thông tin cao tốc, giao lưu năng động, đối thoại giữa các nền văn hoá. Tôi đã thấy trước câu trả lời của Kaomi/Nguyên Hưng: “Thế còn chủ nghĩa phương Tây?” Phải, phải, cái đó có tồn tại. Như vẫn tồn tại bảo tàng và nhà hát ba-lê, nhạc giao hưởng và lịch sử nghệ thuật - tất cả những khái niệm hoàn toàn Tây phương ấy. Ta có nên huỷ diệt chúng như Khmer đỏ chăng? Hoặc giả phương Tây có nên khước từ mọi thứ hàng làm từ giấy (sách, báo...) vì giấy là phát minh của Trung Quốc? (Trong khi thảo luận, chúng ta đã không chú ý đến “ý bổ sung” của Hoàng Ngọc Tuấn ngày 28/10 về ảnh hưởng tiêu cực của lòng tự hào dân tộc quá đáng và những ý niệm ‘duy dân tộc trung tâm’. Rủi thay, anh đã biến khỏi bàn tròn, nhường chỗ cho tuyên truyền sô-vanh).

Tháng trước, có trại sáng tác quốc tế Á châu tại Trung tâm mỹ thuật đương đại Hà Nội nhằm tạo sự cộng tác giữa các hoạ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên sân khấu và múa cùng các nghệ sĩ từ các nước châu Á khác. Trong thảo luận của nhóm tạo hình, nhiều họa sĩ Việt Nam đã phát biểu nỗi lo thông thường của họ – chúng tôi muốn dùng những hình thức mới của phương Tây, nhưng làm sao để biến chúng trở thành hoàn toàn Việt Nam. Những người khác (không phải Tây mà là châu Á) không đồng ý: “Nếu bạn làm sắp đặt hoặc trình diễn – những phát minh của phương Tây – bạn phải biết ngôn ngữ của những hình thức đó, bộ mã, rồi đắp vào đó những khái niệm và ý tưởng của chính bạn. Bằng không bạn sẽ không thể tạo được cơ sở để giao lưu. Nếu bạn muốn sáng tạo nên một cái gì hoàn toàn Việt Nam thì cứ làm đi, nhưng sáng tạo đó phải thực sự mới, độc đáo, chưa từng thấy.”

Các hoạ sĩ của chúng ta (không phải của tôi, anh Huy ạ) bối rối; họ đầy năng lượng, đầy nhiệt tình, háo hức muốn thay đổi, biểu hiện, sáng tạo, nhưng... học ngôn ngữ mới đối với họ là một việc buồn tẻ, nghiên cứu tìm tòi một chút trước khi làm một sắp đặt trên một khái niệm không quen thuộc lắm thì chưa phải là thói quen của họ.
Mặt khác, những phần trình bày của các hoạ sĩ không phải là Việt Nam tại trại sáng tác này đã chứng tỏ một cách rất thuyết phục rằng văn hoá không phải bao giờ cũng đi vào những xã hội khác mà không thay đổi, mà có thể quyện vào với bối cảnh của văn hoá bản đia. Và tôi hy vọng điều đó đã có chút ảnh hưởng đối với ý niệm đơn giản của các hoạ sĩ Việt Nam về những hình thức nghệ thuật “mới”.

Những hình thức nghệ thuật “mới”, bộ ba sắp đặt - trình diễn – video: Laurent ạ, tôi đồng ý với nhiều kết luận có tính chất vỡ mộng của anh, nhưng đoạn cuối gây cho tôi bực bội thế nào ấy.

Tôi không bênh vực chủ nghĩa thực dân mới. Và tôi không tự tạo cho mình một thái độ rõ ràng đối với sự phối chủng văn hoá (tôi chỉ biết rằng sự phối chủng này tồn tại từ nhiều thế kỷ từ khi con người bắt đầu phát triển những con đường thương mại và do đó, nẩy sinh những hình thức văn hoá mới).
Nhưng không có cái gì xuất hiện hoặc được chấp nhận một cách ngẫu nhiên, vô cớ, ở chỗ trống không. Tất cả các phong cách, phương hướng, khuynh hướng và hình thức nghệ thuật đã được khuôn định bởi những nhân tố khác nhau - kinh tế, chính trị, xã hội cũng như bởi sự phát triển của lý trí và tri thức con người – khoa học, triết học, tâm lý học, văn học... Như vậy, Art Nouveau là kết quả của sự nổi loạn chống lại kỷ nguyên mới của cơ khí hoá và Jugendstil phản ánh khái niệm đồng nhất nghệ thuật với nghề thủ công và công nghiệp. Và chủ nghĩa vị lai dựa trên khái niệm văn học – phản ứng của trí thức trẻ chống lại sự trì trệ văn hoá và do đó, đòi hỏi giải tri - được đặc biệt ưa thích ở Italia và Nga, có lẽ vì, thời đó ở những nước này, ý tưởng và thực hành của chủ nghĩa vô chính phủ đang thịnh hành. Vân vân và vân vân. Những năm 60, Pop art như là phản ánh sự lan tràn của văn hoá Pop và sự tăng trưởng của môi trường công nghiệp và thương mại. Những năm 70 – trình diễn như là ý đồ nhằm giải phóng hoạ sĩ khỏi đối tượng nghệ thuật, vứt bỏ những hình thức truyền thống và mang tính thiết chế, tạo tiếp xúc trực tiếp với công chúng và biến nghệ thuật từ sản phẩm riêng biệt thành giao lưu thị kiến trực tiếp.

Phải chăng anh không nghĩ rằng việc các hình thức mới này được chấp nhận và ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam không phải là kết quả của tuyên truyền phổ biến, mà nó liên quan chặt chẽ tới những quá trình tương tự diễn ra trong những năm 60 và 70 ở châu Âu, với những thay đổi xẩy ra trong xã hội Việt Nam mà anh đã bàn tới? Sự tăng cường dân chủ hoá, giải phóng đầu óc khỏi lối tư duy rập khuôn, khao khát chối từ quá khứ, chia sẻ những giá trị toàn cầu, đó cũng là một khía cạnh của nước Việt Nam hiện đại. Và hiện thực mới này sẽ nhào nặn nên những hình thức nghệ thuật mới có khả năng biểu đạt tốt hơn những quá trình xã hội đó.

Những bước đầu tiên trong cái bộ ba sắp đặt - trình diến – video này là những bước đầu tiên của một hài nhi. Chưa học được ngôn ngữ, nhưng những tiếng đầu tiên đã được thốt ra. Chúng ta cần kiên nhẫn chờ nghe những câu cú có biểu đạt rõ ràng.

Còn cội rễ dân tộc, sẽ không ai trốc lên đâu. Nhưng nếu Kandinsky cứ suốt đời ngồi trên cái ghế đẩu bằng gỗ sồi ngắm những bức lubok (tương tự như tranh Ðông Hồ) yêu dấu của mình thì liệu chúng ta có được chủ nghĩa trừu tượng không?
(09.12.02)

Hoàng Ngọc-Tuấn: Chào các bạn, tôi vắng mặt ở bàn tròn này một thời gian vì nhiều vấn đề và công việc cá nhân. Hôm nay tôi trở lại với vài ý tưởng.

1. Không cuộc bàn luận nào có thể đạt được một kết luận tích cực nếu không có ai chịu bước ra khỏi cái khung văn hoá/ý thức hệ của mình và cẩn thận lắng nghe những ý tưởng khác từ mọi phương hướng. Cố thủ một cách kiêu hãnh trong một cái khung, chúng ta từ chối lắng nghe những ý tưởng từ bên ngoài. Ðiều này làm chúng ta nghèo hơn và nghèo hơn mãi mãi. Chúng ta phải học hỏi từ những điều phía bên ngoài, bắt chước chúng, sử dụng chúng, và dựa vào chúng để khai triển những điều mới lạ, hoặc nắm chắc lấy chúng để vượt qua chúng.

Bàn tròn này đã ngẫu nhiên diễn biến quanh một cái khung: Việt Nam. Và, rủi thay, dường như nhiều người trong cái khung ấy rất ngại mở rộng cổng để bước ra. Thay vào đó, họ đứng lại đằng sau hàng rào và để "ngoại nhân" bước vào, từng người một, sau khi đã phát cho "ngoại nhân" những cái vé vào cổng có đánh dấu rõ ràng là "ngoại nhân". Và khi các "ngoại nhân" đang bước qua ngưỡng cửa, những kẻ đứng sau hàng rào lên tiếng: "Quý vị có tự do quan sát và nói năng, nhưng đừng bao giờ tưởng rằng quý vị có thể hiểu nổi chúng tôi."

Tất nhiên, tình hình có thể trở nên tệ hại hơn, nếu một trong những cảnh sau đây xảy ra:
Một "ngoại nhân" nói: "Này, các bạn rõ ràng là lạc hậu. Bước ra đây. Nhìn chúng tôi đi nào. Hãy cố hết sức để theo chúng tôi, nếu các bạn muốn tồn tại mạnh mẽ."

Một "nội nhân" nói: "Ê, đừng có ngạo mạn sai lầm như vậy. Chúng tôi không theo ai cả. Chúng tôi đã đánh bại quý vị trên nhiều chiến trường. Và chúng tôi đang tồn tại mạnh mẽ chả cần quý vị phải lưu tâm. Nếu chúng tôi có vấn đề, đó là vấn đề của chúng tôi và chúng tôi sẽ tự giải quyết. Quý vị hãy giữ im lặng, vào đây mà nhìn ngắm cho biết."

2. Thực tình, chúng ta muốn đạt được gì qua bàn tròn này? Tên gọi của bàn tròn là "Mỹ Thuật Việt Nam đang ở đâu?" Tôi thiết nghĩ chúng ta đều biết nó đang ở đâu. Tôi thiết nghĩ điều chúng ta muốn đạt được qua bàn tròn này là tiên đoán nó sẽ đi về đâu, và, hơn thế nữa, đề nghị một đường lối tích cực nào đó cho sự phát triển của nó.

3. Cuộc đàm luận của chúng ta có vẻ trở nên rất nhì nhằng bất cứ khi nào chúng ta đụng đến đề tài "bản sắc dân tộc". Tôi muốn đề nghị vài ý tưởng như sau:

Một là, để làm cho cuộc đàm luận của chúng ta trôi chảy hơn, chúng ta phải biết rõ chúng ta đứng ở chỗ nào để phát biểu. Ðứng lì bên trong để nói thì hiển nhiên là có vấn đề. Ðứng lì bên ngoài để nói thì cũng có vấn đề như vậy. (Xin lưu ý rằng có người bước vào bên trong mà vẫn ăn nói như thể đang còn đứng bên ngoài). Tôi đề nghị tất cả chúng ta nên đứng ngay trên hàng rào để nói.

Hai là, bản sắc dân tộc là một hạt nhân mà tất cả những ý nghĩa của các sinh hoạt của một dân tộc đều được xếp đặt chung quanh nó. Nhưng đôi khi hạt nhân này chỉ là một HUYỀN THOẠI, hoặc một CHẤT LIỆU GIẢ TẠO, hoặc ngay cả là một SỰ TRỐNG RỖNG.

Ða số người Việt Nam nghĩ rằng bản sắc dân tộc của họ là cái gì vĩnh hằng nhưng, thực ra, nó không phải vậy. Bản sắc dân tộc của chúng ta đã luôn luôn rất "uyển chuyển". Có những lúc, nó mang nặng mùi Trung Hoa. Có những lúc khác, nó bốc mùi Pháp, mùi Xô-Viết, mùi Mỹ... hoặc là một kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều mùi.

Suốt hậu bán thế kỷ vừa qua cho đến những năm gần đây, cái mùi nặng nhất là mùi chủ nghĩa xã hội (dĩ nhiên, chủ nghĩa xã hội là cái gì đó chúng ta đã vay mượn từ nơi nào đó ở bên ngoài, và nó có thể hữu ích ở một mức độ nào đó). Thực ra, bản sắc dân tộc Việt Nam thậm chí đã trở nên đồng nhất với chủ nghĩa xã hội: "Yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước!" (Mọi đứa trẻ con đều đã thuộc nằm lòng điều này). Bất cứ người Việt Nam nào chống chủ nghĩa xã hội cũng đều bị dán nhãn là "không yêu nước" hay "phản bội dân tộc". Bản sắc dân tộc Việt Nam đã được định nghĩa là mang tính "cách mạng".

Gần đây, vì điều kiện bất ổn định của chủ nghĩa xã hội trong việc đương đầu với thị trường tự do và nền thông tin hoàn cầu hoá, cái bản sắc dân tộc này đã dần dần thay đổi để kết nạp thêm càng lúc càng nhiều những chất liệu huyền thoại và giả tạo, và ngay cả lối hùng biện rỗng tuếch. Như thế, giờ đây, nó là một kết hợp chua chát của cả chất "cách mạng" lẫn, (than ôi!) chất "truyền thống". Và, tôi phải thú nhận rằng, trong quan điểm của tôi, cả hai chất này đều là của giả. Nhưng không ít người Việt Nam, kể cả nghệ sĩ, đã dễ dàng rơi vào cái bẫy đó. Và một khi bạn đã để mình rơi vào cái bẫy đó và cảm thấy tự hào vì điều đó, thì thật là cực kỳ khó khăn cho bạn thoát ra.

Tôi đề nghị thay vì cố gắng vô vọng để chứng minh rằng Việt Nam có một bản sắc dân tộc thuần khiết và trường tồn, chúng ta có thể chọn quan điểm rằng Việt Nam có một bản sắc mang tính vạn hoa (a kaleidoscopic identity). Tôi thiết nghĩ quan điểm này có thể giúp chúng ta thoải mái hơn, lành mạnh hơn, và phong phú hơn. Tôi sẽ bàn về ý tưởng bản sắc mang tính vạn hoa này trong email lần tới.
(10.12.02)

Comments
No one has commented on this article. Be the first!